2020.09.28 - 2163 lượt xem
Ngày 23/9, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã gặp mặt báo chí thông tin về Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 và Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. Đây là 2 sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc tôn vinh người học nghề.
Lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp
Phát biểu tại họp báo, bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, 2 sự kiện có điểm chung thú vị là đều được triển khai trong năm 2020, trong bối cảnh việc nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đang được đặt ra quyết liệt theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
“Điểm chung này không chỉ dừng ở việc tập trung cho công tác đào tạo, thi đánh giá kỹ năng nghề mà còn tập trung cho hoạt động tôn vinh người học, bởi lẽ người học là trọng tâm trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm tham gia thị trường lao động”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hương, 2 sự kiện đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thường xuyên thông tin, báo cáo tình hình đến lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH để nhận chỉ đạo trực tiếp về hướng triển khai, tổ chức, quy mô tổ chức các sự kiện làm sao vừa đảm bảo được tính trang trọng, tôn vinh vừa tiết kiệm, an toàn…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương: 2 sự kiện có vai trò quan trọng trong việc tôn vinh người học giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài các điểm chung, 2 sự kiện cũng có những điểm riêng đặc thù. Trong đó, “kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia là hoạt động thường niên 2 năm tổ chức 1 lần. Việc tổ chức kỳ thi bên cạnh mục đích tôn vinh và lựa chọn nhân lực để huấn luyện cho thi Tay nghề ASEAN, thi tay nghề thế giới thì còn hướng đến mục tiêu lan tỏa ý nghĩa của kỳ thi, tạo phong trào thi đua rèn luyện kỹ năng nghề ngay khi còn ở trên ghế nhà trường”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương cho biết.
Đối với sự kiện Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 lần đầu tiên được tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định, “sẽ có nhiều điểm bổ sung hoàn thiện để tôn vinh người học khối giáo dục nghề nghiệp lên quy mô và tầm xứng đáng với vai trò của lực lượng này trong thị trường lao động phát triển giai đoạn tới”.
Đặc biệt, sự kiện được tổ chức trong bối cảnh những kỳ vọng của xã hội về chất lượng của giáo dục nghề nghiệp ngày càng cao là cơ hội chứng minh sự lan tỏa thực tế của giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
7 nghề mới lần đầu so tài tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, năm 2020 được đổi mới gắn với việc triển khai Chỉ thị số 24/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Kỳ thi đã được đổi tên thành Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, thay cho tên gọi Kỳ thi Tay nghề quốc gia những năm trước đó. Ban Tổ chức cũng được đổi tên thành Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam.
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 cũng là Kỳ thi có số nghề tổ chức thi lớn nhất từ trước tới nay với 34 nghề, tăng 8 nghề so với số nghề tổ chức ở kỳ thi trước năm 2018. Trong đó, có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).
Hiện đã có tổng số có 505 thí sinh/50 Đoàn đăng ký dự thi, trong đó có 4 bộ, ngành; 1 tập đoàn; 1 hiệp hội; 1 Tổng công ty và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, do đề thi được tiệm cận với Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN nên thời gian thi sẽ tăng lên thành 12 đến 15 tiếng thay vì không quá 8 tiếng như trước đây.
Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
Kỳ thi năm nay sẽ có 5 Hội đồng thi quốc gia, trong đó 1 Hội đồng thi được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn. 4 Hội đồng thi còn lại được tổ chức tại Hà Nội, các địa điểm tổ chức thi cũng tập trung chủ yếu tại đây, riêng Hội đồng thi quốc gia số 1 có một địa điểm thi đặt tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cơ sở 3 ở số 22 A đường Nguyễn Văn Linh, phường Xuân Hòa, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại địa điểm thi ở Vĩnh Phúc, các thi sinh sẽ tham gia thi nghề Tiện CNC.
Về Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường cho biết: Lần đầu tiên thành phần Ban tổ chức và thành phần các Tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức có sự tham gia của doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp như: Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức – GIZ; Tập Đoàn Xây dựng Hòa Bình; Tổng Công ty May 10; Công ty TNHH Festo; Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, do Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã bổ sung những quy định về công tác phòng chống Covid-19 trong suốt thời gian diễn ra Kỳ thi.
Lần đầu tiên vinh danh người học giáo dục nghề nghiệp xuất sắc
Về sự kiện Lễ Tuyên dương, bà Trần Minh Huyền- Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên cho biết: Lễ tuyên dương sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 – 9/10/2020 tại Hà Nội. Trong đó, chương trình Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dự kiến được diễn ra vào lúc 19h30 tối ngày 9/10/2020 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Các học sinh, sinh viên về dự Lễ Tuyên dương sẽ tham gia hoạt động chính như: Báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình; dâng hương Đài tượng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn; Thăm quan khu di tích Phủ Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mời cơm, tặng quà. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đoàn học sinh, sinh viên…
Theo bà Trần Minh Huyền, các học sinh, sinh viên được tuyên dương là những em có thành tích xuất sắc toàn diện trong học tập và phải đạt một trong các tiêu chí: Có đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất nhì ba cấp trường trở lên hoặc có sáng kiến trong học tập, lao động; có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị được áp dụng hoặc có sản phẩm sáng tạo được cấp bằng sáng chế, cấp giấp phép xuất bản hoặc đạt giải nhất nhì ba các cuộc thi cấp tỉnh.
Đồng thời, có kết quả rèn luyện đạo đức xuất sắc; không vi phạm đạo đức, quy chế, nội dung của nhà trường, quy định của địa phương, pháp luật của Nhà nước và đạt thêm một trong các tiêu chí: Tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, Hội và các hoạt động tình nguyện cấp trường tổ chức trở lên hoặc đạt các giải thưởng nhất, nhì, ba các cuộc thi về pháp luật, tìm hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ cấp trường trở lên hoặc các giải thưởng văn hoá, thể thao cấp trường trở lên.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
Để chọn ra được các tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đã phải trải qua ba vòng xét chọn: Cấp trường lựa chọn, giới thiệu; cấp tỉnh do Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố tổ chức thành lập Hội đồng xét chọn và giới thiệu. Ở cấp toàn quốc, ngày 1/7/2020 Hội đồng xét chọn cấp toàn quốc đã được tổ chức và lựa chọn được 130 học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất, trong đó: 112 sinh viên, 18 học sinh của 70 cơ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc 28 tỉnh, thành phố về dự Lễ Tuyên dương.
Nguồn: nghenghiepcuocsong.vn