"Đào tạo nhân lực thị trường cần chứ không đào tạo những gì ta có"

2020.12.30 - 2335 lượt xem

 Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói tại hội nghị tổng kết năm 2020 của giáo dục nghề nghiệp: "Chúng ta cần đào tạo nhân lực thị trường đang cần chứ không phải đào tạo những gì chúng ta có".

Chiều ngày 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội tổ chức hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2021 nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2020 và đề ra các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch năm 2021 về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, bà Nguyễn Thị Việt Hương và ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN chủ trì hội nghị này. Hội nghị có sự tham dự của các cán bộ Bộ, ban, ngành liên quan, các vị nguyên lãnh đạo Tổng cục GDNN, các nhà giáo, chuyên gia GDNN.

 

Đào tạo nhân lực thị trường cần chứ không đào tạo những gì ta có - 1

 

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói: "Chúng ta cần đào tạo nhân lực thị trường đang cần chứ không phải đào tạo những gì chúng ta có"

Phát biểu tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nói: "Qua 1 năm chúng ta có sự nhìn lại, tổng kết và trăn trở về lĩnh vực GDNN. GDNN được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ban, ngành quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá của chúng ta".

"Chúng ta cần đào tạo nhân lực thị trường đang cần chứ không phải đào tạo những gì chúng ta có", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng căn dặn GDNN cần phải đào tạo những ngành nghề được xã hội quan tâm, có tỉ lệ việc làm cao. Việc đào tạo lại cho lao động cũng cần phải được chú trọng. GDNN cũng cần phải đẩy mạnh hội nhập, liên kết với khu vực và tiệm cận trình độ thế giới.

Mặt khác, cần phải đào tạo đội ngũ giáo viên theo hướng trình độ cao và chuyên môn hóa. Cùng với đó, kinh nghiệm của chúng ta trong kỹ thi kĩ năng nghề trên đấu trường quốc tế cần được phát huy và rút kinh nghiệm...

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCGDNN Nguyễn Thị Việt Hương trình bài báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Theo báo cáo này, năm 2020 là năm về đích của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, mặc dù còn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ, với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, lĩnh vực GDNN về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ và Bộ giao, đạt được những kết quả tích cực, có nhiều tiến bộ, là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

 

Đào tạo nhân lực thị trường cần chứ không đào tạo những gì ta có - 2

Phó Tổng cục trưởng TCGDNN Nguyễn Thị Việt Hương báo cáo tổng kết năm 2020 lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, năm 2020 Tổng cục GDNN đã kịp thời chỉ đạo hệ thống GDNN ứng phó với dịch bệnh Covid-19; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; chủ động tham mưu, tổ chức các diễn đàn, hội nghị với các tỉnh, thành phố, cơ sở GDNN.

Đồng thời, tổ chức làm việc và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để cùng nhận diện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở GDNN; phát huy kết quả đạt được, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, hiệu quả ở một số địa phương, cơ sở GDNN ra cả nước.

Tổng hợp báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2020 của các địa phương, cả nước, GDNN tuyển được 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch năm, trong đó: tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng 580.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác 1,7 triệu người (đạt 101,2% kế hoạch năm).

Giai đoạn 2016-2020 tuyển sinh đạt hơn 11 triệu người (đạt 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015), vượt kế hoạch được giao của giai đoạn 2016-2020, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 2,5 triệu người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8,6 triệu người. Số người tốt nghiệp GDNN đạt 10,2 triệu người (đạt 108% kế hoạch), trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt gần 2 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8,2 triệu người.

Bên cạnh đó, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 1.907 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường cao đẳng (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1044 trung tâm GDNN (689 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở GDNN công lập là 1.227 cơ sở (538 trường cao đẳng, trung cấp công lập).

Năm 2020, Tổng cục GDNN đã xây dựng, trình ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông tư số 05/TT-BLĐTBXH ngày 16/8/2020 quy định quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN công lập cấp huyện; Thông tư số 07/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020 quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN; tổ chức xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới, chiến lược phát triển GDNN; hoàn thành việc pháp điển các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực GDNN, gửi Bộ Tư pháp để thực hiện cập nhật văn bản mới ban hành vào Đề mục GDNN.

Giai đoạn 2016-2020, đã tham gia xây dựng, trình ban hành 3 luật, 1 bộ luật (Luật GDNN; Luật Giáo dục; Luật Việc làm; Bộ luật Lao động); 102 văn bản (7 nghị định, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 84 thông tư và 4 thông tư liên tịch) với nhiều chính sách được đổi mới: tổ chức, quản lý hệ thống cho tới quản trị cơ sở GDNN; đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo; bổ sung cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà giáo, người học… tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các cơ sở GDNN tổ chức, triển khai các hoạt động GDNN đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Về quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay đang triển khai xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo nhiệm vụ được phê duyệt (thời hạn lập quy hoạch không quá 24 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt - 26/6/2020).

 

Đào tạo nhân lực thị trường cần chứ không đào tạo những gì ta có - 3

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Công tác truyền thông của lĩnh vực GDNN được chú trọng và tăng cường, tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông giai đoạn 2018-2020; hình thành được mạng lưới đội ngũ công tác viên truyền thông tại các cơ sở GDNN.

Năm 2020, hình thức truyền thông được đẩy mạnh qua cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương; mạng xã hội; ấn phẩm truyền thông; hội nghị, hội thảo, cuộc thi tuyên truyền về GDNN; sự phối hợp với các tổ chức quốc tế... đã tác động mạnh mẽ tới đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, nội dung truyền thông GDNN cũng đã hướng tới vùng sâu vùng xa; về hình ảnh người công nhân thời CMCN 4.0, qua đó làm nổi bật vai trò của người công nhân trong hoạt động sản xuất, có thu nhập, đảm bảo được đời sống của bản thân, gia đình góp phần nâng cao vai trò của GDNN trong đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Các hoạt động nâng cao năng lực tư vấn, hướng nghiệp về GDNN được đẩy mạnh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tư vấn hướng nghiệp cho 1.400 lượt cán bộ làm công tác tư vấn hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng giảng dạy kỹ năng mềm cho 1.200 lượt cán bộ, giáo viên trong các cơ sở GDNN.

Nhờ vậy, truyền thông đã bước đầu tác động mạnh mẽ tới đối tượng người học, gia đình và người sử dụng lao động. Nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh đã có nhiều thay đổi, thông điệp "Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai" được lan tỏa và phổ biến mạnh mẽ trong xã hội.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN: 100% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo và khoảng 90% nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm; tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề để giảng dạy thực hành, tích hợp tăng từ 51% lên khoảng 60%; trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo được nâng cao, đáp ứng yêu cầu giảng dạy các chương trình nhận chuyển giao".

Kết quả thể hiện rõ nét nhất là tỷ lệ tuyển sinh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đặc biệt một số nghề tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%.

Tại hội nghị tổng kết này, đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng... nêu vấn đề hợp tác, phối hợp cùng với Tổng cục GDNN để giải quyết các vướng mắc, phát triển chung các đơn vị đào tạo ngành nghề có sự liên quan giữa các bên.

 

Đào tạo nhân lực thị trường cần chứ không đào tạo những gì ta có - 4

Tổng cục trưởng TCGDNN Trương Anh Dũng

Phát biểu tổng kết hội nghị, Tổng cục trưởng TCGDNN Trương Anh Dũng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành liên quan đối với GDNN. Đồng thời, ông Trương Anh Dũng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, bổ sung vào phương án triển khai thực hiện nhiệm vụ GDNN trong năm 2021.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh kết quả quan trọng nhất mà GDNN đã đạt được là tuyển sinh đạt chỉ tiêu đã đề ra, vượt qua khó khăn khách quan.

Mai Châm

Xem bài viết gốc