Cả nước có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề

2020.09.28 - 2296 lượt xem

Sáng ngày 25/9 tại thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội nghị giao ban với các tỉnh duyên hải miền Trung về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết việc triển khai dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016- 2020 và đề xuất kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật triển khai đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, nghề cho lao động nông thôn đồng bộ, đào tạo nghề nghiệp khác cho mọi người, nhất là đối tượng trung tuổi, người thất nghiệp. Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu trình Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội các văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội nghị

Địa phương đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi, người có công với cách mạng…Trong giai đoạn 2016-2019 các bộ, ngành địa phương bố trí được khoảng trên 1.300 tỷ đồng kinh phí ngân sách trung ương thực hiện các nội dung, hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn. Kết quả giai đoạn này đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn (5,5 triệu người), trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đào tạo dưới 3 tháng 2,85 triệu người, đạt 74% kế hoạch, trong đó có trên 0,85 triệu người học nghề nông nghiệp (chiếm 36%), 2 triệu người học nghề phi nông nghiệp(chiếm 64%). Người dân tộc thiểu số có 450.000 người (chiếm 15,8%), người thuộc hộ nghèo chiếm 7,02%, người khuyết tật chiếm 2,11%, còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,4%.

Ngoài những kết quả đạt được còn có những vướng mắc và khó khăn, từ năm 2016 kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình không phân định nguồn lực cho từng nội dung. Sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì chương trình với cơ quan chủ trì nội dung thành phần tại các cấp còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo cho lao động nông thôn, tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc thực thi chỉ tiêu kế hoạch, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề lao động nông thôn

Đại diện tổng cục giáo dục nghề nghiệp dạy nghề đều hành hội nghị

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận đề án và đề xuất kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả và tác động của việc thực hiện đề án 1956 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai đề án. Đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong giai đoạn mới (2021-2025) và định hướng đến 2030.

Cũng trong đợt này, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị giao ban "Giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao" cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Đại biểu tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 18 triệu lao động làm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; trong đó số lượng lao động đã qua đào tạo là 4,31 triệu người. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 – 2020 theo Đề án 1956 được 2,5 triệu người. Đội ngũ lao động qua đào tạo đã nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn và cải thiện chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích.

Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị

Về cơ sở đào tạo và giáo trình, trong giai đoạn 2010 – 2020, cả nước có khoảng 850 cơ sở tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực cung cấp lao động cho ngành nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý 32 trường Đại học, Cao đẳng được bố trí trên toàn quốc có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đã xây dựng được 140 khung chương trình, giáo trình và 34 kỹ năng nghề nông nghiệp phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo, tập huấn.

Đại biểu tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị

Tiếp thu những ý kiến của các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các địa phương, sở Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt năm 2020 là năm cuối thực hiện đề án và tổ chức tổng kết thực hiện đề án đúng thời hạn theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương. Đối với đề xuất, kế hoạch triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương cần bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng, địa phương và đặc thù của từng địa phương để xây dựng kế hoạch sát với thực tế. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kiểm tra giám sát đảm bảo tính đồng bộ, tránh chồng chéo. Về đề nghị của các địa phương về cơ chế quản lý, nguồn vốn, tổ chức đào tạo, nâng mức hỗ trợ, Tổng cục sẽ nghiên cứu, đưa vào kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn để triển khai thực hiện trên cơ sở nguồn vốn của giai đoạn sau, đồng thời nghiên cứu sửa đổi các hướng dẫn cho phù hợp với thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương.

Nguồn: Baodansinh.vn