Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025.

2020.11.26 - 2821 lượt xem

Vừa qua ngày 12-13/11/2020 tại Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025" (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi).

Tham gia hội nghị, đại diện trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản gồm có: Ts Thái Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng, bà Ngô Thị Mai Hương - trưởng Khoa Nuôi trồng Thủy sản, bà Nguyễn Thanh Hoa, ông Ngô Chí Phương, ông Đỗ Đăng Khoa và ông Nguyễn Tuấn Duy- Khoa Nuôi trồng Thủy sản, và bà Dương Thị Quyên - Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.

Đóng góp vào hội nghị, TS. Thái Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng nhà trường có báo cáo tham luận về “Kết quả chuyển giao công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi và cá diêu hồng tại Thái Nguyên và Vĩnh Phúc”.

Nhà trường và chuyên gia gia Israel đã ký hợp đồng CGCN biofloc trong nuôi cá rô phi với 02 công ty: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Đông Bắc – Thái Nguyên (2016-2018) và Công ty CP đầu tư và thương mại Hoàng Hải ở tỉnh Vĩnh Phúc (2018-2020). 02 dự án CGCN này đã đào tạo được 08 kỹ thuật viên làm chủ được công nghệ biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi và tập huấn được 100 học viên làm chủ công nghệ. Các mô hình nuôi cá rô phi đạt năng suất trung bình cao trên 5 lần so với các công nghệ nuôi hiện tại (năng suất các mô hình đạt từ 84,8 tấn/ha đến 204,57 tấn/ha), tỷ lệ sống từ 75-87%, hiệu quả kinh tế từ 428 -485 triệu/ha/vụ. Sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, công nghệ thân thiện với môi trường.

Ngoài việc chuyển giao công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi và cá diêu hồng, Nhà trường đã và đang chuyển giao các công nghệ như Biofloc trong nuôi siêu thâm canh Tôm chân trắng, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn, công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm Ngao giá, Sá sùng , nuôi thương phẩm cá Chim vây vàng, cá Sủ đất và cá Ngạnh sông thông qua gian trưng bày của nhà trường đến các đơn vị tham quan.

Ông Thái Thanh Bình phát biểu Báo cáo tham luận

Gian trưng bày của Trường

Chương trình nông thôn miền núi đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội nghị đã đưa ra một số định hướng tổ chức thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 cụ thể như: Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; đào tạo bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ; xây dựng tài liệu, dữ liệu về các tiến bộ khoa học và công nghệ, thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

Dương Thị Quyên – Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế

Tin khác