ẢNH HƯỞNG ĐỒNG THỜI CỦA HÌNH THỨC VÀ MẬT ĐỘ NUÔI TỚI TỈ LỆ SỐNG, SINH TRƯỞNG, NĂNG SUẤT VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA TU HÀI (Lutraria rhynchaena) TẠI VÂN ĐỒN, TỈNH QUẢNG NINH

2021.12.03 - 1930 lượt xem

         Nghiên cứu này tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của hình thức nuôi và mật độ lên tỉ lệ sống, sinh trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế của tu hài thương phẩm tại vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh. Tu hài có chiều dài ban đầu 18,36 mm/con và khối lượng trung bình đạt 4,12 g/con được sử dụng làm vật liệu nghiên cứu ban đầu. Hai hình thức nuôi được bố trí là nuôi thả trong lồng (rổ) treo trên bè (gồm các thí nghiệm TN1, TN2, TN3 và TN4) và nuôi lồng đặt bãi triều (gồm thí nghiệm TN5, TN6, TN7 và TN8), mỗi hình thức nuôi có 4 công thức về mật độ thả 25 con/lồng (100 con/m2) (TN1, TN5), 35 con/lồng (140 con/m2) (TN2, TN6); 45 con/lồng (180 con/m2) (TN3, TN7); và 55 con/lồng (220 con/m2) (TN4, TN8), mỗi công thức thí nghiệm lặp lại 3 lần. Sau 12 tháng nuôi thí nghiệm, kết quả cho thấy mật độ và hình thức nuôi có ảnh hưởng đến sinh trưởng, tỉ lệ sống và năng suất tu hài thương phẩm. Sinh trưởng tu hài dao động từ 28,76 - 41,74g, chiều dài dao động 51,17 - 72,69 mm, tỉ lệ sống dao động 57,4 -78,3%, sinh trưởng cao nhất ở công thức với mật độ 25 con/lồng, sai khác giữa các nghiệm thức có ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05). Năng suất trung bình tu hài thương phẩm tăng theo sự tăng mật độ thả, dao động từ 21,7 - 38,3 tấn/ha, sai khác có ý nghĩa thống kê (p ≤ 0,05). Tuy nhiên hạch toán kinh tế cho thấy, hiệu quả kinh tế đạt cao nhất tại TN2 khi nuôi theo hình thức treo lồng trên bè và thả nuôi với mật độ 35 con/lồng (140 con/m2). Ở công thức này, sinh trưởng về khối lượng và kích thước chiều dài trung bình thu được đạt 38,91g và 68,47 mm, tỉ lệ sống đạt 76,4%, năng suất đạt 32,9 tấn/ha, lợi nhuận đạt 0,883 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận đạt 28,1%. Từ kết quả nghiên cứu có thể khuyến nghị với người dân thả nuôi với mật độ 35 con/lồng.

File: BaiBao_KHTN_Thang11_2021.pdf Tải về

Tin khác